Học tiếng Nhật qua phim?
Xời, tưởng gì mới mẻ! Ai ai học tiếng Nhật cũng được khuyên nên học tiếng Nhật qua phim ảnh, xem anime. Sau đó sẽ được “gửi tặng kèm” một list các bộ phim Nhật hay, nổi tiếng kèm phụ đề để tu luyện.
Morning Japan không phủ nhận rằng học tiếng Nhật qua phim vừa là một cách giải trí tốt, vừa giúp bạn học tiếng Nhật một cách trực quan với những câu nói áp dụng hàng ngày. Nhưng liệu bạn đã biết cách khai thác một bộ phim để biến nó thành công cụ đắc lực cho việc học tiếng Nhật chưa?
Đừng bảo là bạn chỉ bật phim lên và xem, câu nào hay thì chép lại rồi… để đấy nhé! Hôm nay Morning Japan sẽ giúp bạn học tiếng Nhật qua phim bằng cách đơn giản và rất hiệu quả. Nếu thấy bài viết bổ ích, đừng quên bấm chia sẻ cho bạn bè cùng học nhé!
4 kiểu học tiếng Nhật qua phim không hiệu quả
Xem phim một lần rồi thôi
Đó là khi bạn xem phim đúng kiểu phần lớn là vì mục đích giải trí. Bạn xem phim vì có diễn viên đẹp, giọng nói hay, khung cảnh thơ mộng hoặc cốt truyện, tình tiết thú vị. Bạn tặc lưỡi cho rằng xem 90 phút một bộ phim thì cũng như là luyện nghe 90 phút rồi. Xem phim xong thì coi như bạn cũng vừa hoàn thành bài tập luyện nghe 90 phút.
Như vậy, bạn xem lần lượt hết phim này tới phim khác nhưng đều chỉ xem một lần xong rồi thôi. Bởi, khi bạn đã biết câu truyện tiến triển thế nào, ai là thủ phạm, kết phim ai với ai là một cặp… Hoặc đơn giản là kết cục phim không như bạn mong muốn, bạn thấy nó không thú vị để xem lại lần hai.
Để Morning Japan nhắc bạn: số lượng phim bạn xem không nói nên được số lượng bạn học được từ những phim đó. Bạn không cần xem hết một núi phim Nhật để giỏi tiếng Nhật. Điều quan trọng ở đây là sự lặp lại + sức tập trung khi xem MỘT bộ phim.
Xem một hơi hết cả phim
Một bộ phim dài 90 phút là quá lâu để bạn có thể ngấm được hết ngôn ngữ được nói trong phim. Đặc biệt là đối với những bạn học tiếng Nhật chưa lâu và chưa giỏi. Cách học tiếng Nhật qua phim như vậy sẽ khiến bạn rất nhanh nản.
Ngoài ngôn ngữ, trong bộ phim bạn xem còn có các yếu tố khác cần quan tâm như chi tiết trong sinh hoạt, trang phục, cử chỉ, hành vi, phong tục tập quán, địa danh,… được nhắc tới. Nếu chỉ quan tâm đến ngôn từ thì bạn lại bỏ lỡ kha khá những điều hay ho trong phim. Mà nếu để ý tới tất cả, thì 90 phút chẳng phải là quá sức chịu đựng?
Vì thế, nếu đã muốn học tiếng Nhật hay văn hóa Nhật trong phim, bạn sẽ cần ấn nút Dừng hoặc tua lại đoạn phim.
Sử dụng phụ đề sai mục đích
Thế nào là sử dụng phụ đề sai mục đích? Đó là:
- Bạn xem “nhầm” những phim dịch ẩu, dịch sơ sài hay tệ hơn là dịch sai. Hãy follow và xem phim từ những người làm sub có tâm.
Hầu hết những phim Nhật có phụ đề Việt đều là do các nhóm dịch tự nguyện làm free. Vì thế không phải bên nào cũng đưa ra phụ đề tiếng Việt tốt cho bạn. Hãy hỏi ý kiến bạn bè, đọc các review về các nhóm dịch trên mạng (chứ không phải review phim) nhé. Mỗi phim dịch ra tiếng Việt đều có tên nhóm dịch, hãy tra tên họ và tìm kiếm đánh giá.
- Xem phim không phụ đề khi bạn còn quá non. Xem phim không cần sub là rất tốt để bạn rèn luyện kĩ năng nghe của mình. Tuy nhiên, nếu còn ở mức sơ cấp hoặc trung cấp nhưng yếu phần nghe, thì không nên bỏ qua phụ đề khi xem phim. Nếu không bạn sẽ chẳng hiểu gì cả để mà học được từ phim.
- Quá phụ thuộc vào phụ đề. Đây lại là trường hợp khi bạn đã nghe tiếng Nhật khá tốt rồi nhưng vẫn lưu luyến xem phụ đề. Hãy dũng cảm tắt nó đi và xem phim. Chỗ nào nghe mãi không ra hãy mở phụ đề sau. Như vậy, bạn sẽ không bị thói quen xấu đó là auto dịch trong đầu từ Nhật sang Việt. Điều này làm giảm phản xạ của bạn khi nghe tiếng Nhật đó.
Để phim nói…quá nhanh
Nếu nói quá nhanh thì tất nhiên là bạn chẳng hiểu gì để có thể học tiếng Nhật qua phim rồi, đúng không? Trong phim, người Nhật nói chậm so với tốc độ nói ngày thường của họ. Nhưng vẫn là quá nhanh cho rất nhiều người học tiếng Nhật.
Vậy, làm thế nào để học tiếng Nhật qua phim tốt hơn, hiệu quả hơn?
Cách học tiếng Nhật qua phim tối ưu: Học qua phân đoạn trong phim
Phân đoạn phim là một cảnh trong rất nhiều cảnh khác diễn ra trong bộ phim. Ví dụ, bạn xem phim 5cm/s sẽ có phân đoạn hai nhân vật chính gặp lại nhau và ngồi nói chuyện sau một chuyến đi dài của nam chính tới nơi nữ chính ở. Hoặc nếu là phim Khu vườn ngôn từ, có phân đoạn những lần nam chính gặp nữ chính tại công viên vào những ngày mưa chẳng hạn.
Bạn có thể hình dung ra chứ? Phân đoạn phim là những cảnh ngắn vài phút, cùng lắm là 10 phút trong một bộ phim dài 90 phút hoặc hơn.
Nếu chỉ học theo từng phân đoạn phim như vậy, bạn sẽ thấy có rất nhiều lợi ích.
Ưu điểm của việc xem phim theo các phân đoạn
Đầu tiên, nó giúp bạn xem lại phim dễ dàng hơn.
Ai mà có thời gian xem đi xem lại cả một phim dài 90 hay 120 phút cơ chứ? Vả lại, không phải đoạn phim nào cũng có lời thoại. Bạn sẽ không cần xem lại những đoạn hồi tưởng kí ức, hay những đoạn đánh nhau đua moto, thi triển võ thuật…không cần thiết.
Mỗi đoạn phim ngắn 5-10 phút còn giúp bạn dễ dàng hoàn thành “bài học” của mình và có động lực học hơn. Số lượng câu từ cần chú ý ít hơn, ít yếu tố ngoài ngôn từ phải để tâm hơn…
Tiếp theo, học theo phân cảnh giúp bạn có “ngữ cảnh” (background) rõ ràng. Khi nào thì nên nói câu gì, vì sao câu này lại được nói ra trong hoàn cảnh này… Nếu chỉ đơn giản là chia nhỏ phim thành từng phần 5-10 phút thì bạn sẽ không có được các ngữ cảnh tự nhiên trong phim. Hãy chia phim ra thành từng phân cảnh một thay vì chia theo phút. Ví dụ ở anime Kimi ni Todoke, sẽ là cảnh Sawako đứng nói chuyện với bạn về Kazehaya. Hay cảnh Sawako tỏ tình với Kazehaya…
Học theo phân đoạn phân cảnh còn giúp bộ phim trôi qua chậm hơn. Bạn sẽ dễ dàng tiếp thu một đoạn hội thoại nhỏ thay vì vô số đoạn thoại trong suốt cả phim.
Học theo phân đoạn phim thế nào?
Bước 1
Xem toàn bộ phim. Với lần xem đầu tiên, hãy cứ xem bộ phim đó theo cách thông thường. Xem và thực sự giải trí với nó. Vừa xem vừa ăn bỏng ngô uống coca cũng được luôn.
Xem phim một lượt từ đầu đến cuối giúp bạn dễ phân cảnh phim để học ở bước tiếp theo.
Bước 2
Nào, đến lúc nghiêm túc rồi. Hãy lôi cuốn số ghi chép của bạn ra. Sau đó chọn phân cảnh phim bạn muốn học. Xem đi xem lại phân cảnh đó.
“Đầu ra” sau khi xem đi xem lại là gì? Hãy ghi lại “ngữ cảnh” của đoạn phim đó. Ví dụ đó là cảnh nhân vật chính đi mua thức ăn trong siêu thị. Bạn thấy có bao nhiêu nhân vật? Họ là ai? Người quản lý cửa hàng? Người thu ngân? Nhân vật chính gặp bạn ở đây? Họ nói gì? Chào nhau thế nào? Khi trả tiền họ làm thế nào, thoại đi kèm là gì…
Nhớ là ghi thoại tiếng Nhật tự bạn nghe được nhé. Nghe không hết được chỗ nào thì cứ để ba chấm.
Hãy liệt kê mọi thứ xuống thật chi tiết nhé!
Bước 3
Bước này, ta sẽ có những lần xem phim dưới dạng khác nhau. Xem phân cảnh đó trong phụ đề tiếng Việt. Rồi thử xem bằng phụ đề tiếng Nhật (để bạn check xem mình nghe có đúng câu không). Sau đó là tắt béng phụ đề đi, xem chay.
Để xem nào, bạn đã hiểu được bao nhiêu % khi không có phụ đề? Bạn nhắc lại câu nói của nhân vật được chưa?
Bước 4
Bước này là bước chốt này. Đã xem, nghe, tập nói theo rồi. Bây giờ hãy bật phụ đề Nhật lên và chép lại đoạn hội thoại trong phân cảnh vừa có. Hãy chép tay vào vở ấy, đừng lười mà gõ máy tính bạn nhé.
Sau đó nghe lại một lần nữa và nói theo. Đương nhiên, nói đúng điệu bộ của nhân vật luôn nhé. Như vậy bạn mới có giọng tự nhiên giống người Nhật được. Không bị lỗi “goa ta shi goa Mai đệt sự”. Nếu có mong muốn trở thành diễn viên thì tập luôn cử chỉ, biểu cảm giống nhân vật nữa 😀 Đùa thôi, với một số trường hợp như cử chỉ tôn kính với cấp trên hay một số điệu bộ “nữ tính đáng yêu”,… mà bạn thấy áp dụng được trong cuộc sống ở Nhật, thì hãy bắt chước theo để cách nói chuyện của mình thêm phần tự nhiên với người Nhật.
Kết
Bạn thấy đó, học tiếng Nhật qua phim không phải là cứ ngồi xem phim là auto giỏi đâu. Cũng như bao cách học tiếng Nhật hiệu quả khác, bạn luôn cần có sự đầu tư về thời gian thì mới giỏi lên được. Đừng đi tắt học nhanh mà để hổng kĩ năng tiếng Nhật nhé.
Lưu ý khi học tiếng Nhật qua phim đó là nhiều câu nói bình thường trong phim/anime nhưng không bình thường tý nào khi nói trong thực tế. Vì thế đừng áp dụng bừa bãi kẻo bị người Nhật bảo “bạn nói chuyện cứ như phim” thì lại đổ tại Morning Japan xúi nhé! Chúng tớ sẽ có bài viết về chủ đề này sau, đừng quên ghé thăm Morning Japan để đón đọc bài mới!
Recent Comments