Nghệ thuật kikubari- bí ẩn đoán chuẩn mong muốn của người Nhật

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao người Nhật luôn đoán được mong muốn của người khác không đợi họ nói ra? Bí ẩn đằng sau đó là gì? Hãy cùng Morning Japan tuần này tìm hiểu về nghệ thuật Kikubari để khám phá bí ẩn này nhé! 

Nghệ thuật Kikubari là gì? 

Một trong những định nghĩa đơn giản để nói về kikubari là nghệ thuật đoán trước mong muốn của người khác.

“Ki” (気) được định nghĩa “tinh thần”, “ tâm hồn” hoặc “trái tim”. “Kubari” (配り) có nghĩa “phân phát”, “chia sẻ”. “Kikubari” nghĩa tiếng Việt là chu đáo, là nghệ thuật phát hiện và đoán trước mong muốn hoặc ý định của người khác. Từ đó, chủ động thực hiện những mong muốn, ý định của họ.

Triết lý đào tạo nghề nghiệp của người Nhật gồm 3 trụ cột: Mekubari (目配り), Kikubari (気配り) và Kokorobari (心配り).

“Mekubari” là làm việc không chỉ làm việc của mình. Họ còn phải xem có ảnh hưởng không tốt đến người khác hay không. “Kokorobari” là suy nghĩ luôn luôn hợp tác tích cực với người khác. Khi thấy người khác gặp khó khăn thì không làm ngơ mà sẵn sàng ưu tiên để giúp đỡ.

“Kikubari” liên quan đến việc nâng cao nhận thức về nhu cầu của người khác. Sau đó, thực hiện nó một cách chủ động với thái độ chân thành nhất. Nghệ thuật Kukibari xuất phát từ nét đẹp của trong tính cách người dân Nhật Bản.

Đó là luôn quan sát và quan tâm đến mọi người xung quanh. Để thấm nhuần những tư tưởng này trong cuộc sống thường ngày, hẳn là một quá trình giáo dục, nhận thức từ thủa bé trong mỗi người dân Nhật Bản.

Quan tâm chu đáo đến mọi người 

văn hóa nhật bản

Việc quan tâm chu đáo, tận tâm với người khác là một trong những nền tảng của nghệ thuật Kikubari. Điều này thể hiện rõ trong việc tuyển dụng tại Nhật Bản.

“Ưu tiên tuyển dụng những người có tính tình chu đáo, quan tâm”. Đây là thông tin tiết lộ của một quản lý tuyển dụng tại công ty phần mềm lớn nhất Tokyo tiết lộ.

Nhật Bản là quốc gia theo văn hoá tập thể. Trong công ty luôn luôn chia và phân bổ công việc theo làm việc nhóm. Vai trò cá nhân đôi khi trở nên mờ nhạt. Khi làm việc, bạn sẽ học cách thích nghi và quan tâm đến những thành viên trong nhóm của mình.

Vậy nên khi tuyển dụng ưu tiên những nhân viên có luôn quan tâm, để ý đến cảm xúc của người khác. Nếu đồng nghiệp có khó khăn trong công việc thì cũng nhanh chóng nhận ra để cải thiện mọi việc.

Tham khảo thêm bài viết “Tinh thần Omotenashi- bí mật phong cách làm việc chuẩn Nhật”   

Trong cuộc sống, tinh thần Kikubari thể hiện rõ trong phong cách phục vụ khách hàng của người Nhật. 

Phục vu khách hàng xuất phát từ sự quan tâm chân thành nhất

Chắc hẳn chỉ ở Nhật mới có chuyện đầu bếp của một quán ăn dẫn bạn đến nhà hàng bạn cần tìm hoặc tiễn bạn ra tận cửa sau khi bạn dùng bữa để cúi chào và nói lời cảm ơn. Các nhà hàng Nhật luôn để những chiếc giỏ nhỏ bên dưới hoặc bên cạnh bàn ăn để khách hàng bỏ túi và áo khoác vào trong.

Hình ảnh những người lao công cúi chào khi tàu cập bến

Tại các ga tàu điện ngầm hoặc tàu Shinkansen, những người lao công cúi chào đoàn tàu khi vừa cập bến. Nhật cũng là nơi những người lái xe taxi đeo găng tay trắng, ghế ngồi có bọc ren, cửa xe mở tự động từ bên trong.

Người Nhật trăn trở xem  khách hàng để xem họ cần gì, từ đó cố gắng mang đến dịch vụ hoàn hảo nhất có thể.

Nghệ thuật phát hiện và đoán trước mong muốn của người khác

Nghệ thuật Kikubari cũng là phát hiện và đoán trước mong muốn hoặc ý định đó để chủ động thực hiện. Để làm được việc này cũng xuất phát từ việc chú ý, quan tâm đến mọi người từ những việc nhỏ nhất.

Trong công ty, bạn chưa cần chia sẻ về vấn đề đang gặp phải. Đồng nghiệp đã nhận thấy và chủ động trao đổi với bạn. Công việc nhóm từ đó mà được trôi chảy, giải quyết nhanh chóng.

Bạn chưa cần nói vấn đề gặp phải thì đồng nghiệp đã nhận ra

Nghệ thuật này cũng được áp dụng trong phong cách phục vụ tinh tế của người Nhật. 

Một vị khách nước ngoài đã chia sẻ rằng “ Tôi đến Nhật trong thời tiết nóng nực cuối tháng 7. Lúc đang ngồi đợi một vài người bạn trong hành lang khách sạn sau khi đi bộ quãng đường dài. Một nhân viên khách sạn đã nhận thấy sự khó chịu của tôi. Họ đã mang cho tôi một ly trà đá và một khăn oshibori ướp lạnh. Nhân viên đó đã đoán được nhu cầu của tôi và thực hiện chúng một cách chủ động”.

Đây chính là phục vụ khách hàng theo phong cách Nhật Bản hay còn gọi là nghệ thuật Kikubari.

Tham khảo bài viết “Tinh thần Omotenashi- bí mật phong cách làm việc chuẩn Nhật”   

Chắc nhiều bạn sẽ không còn xa lạ gì với bánh Kitkat của Nhật Bản. Loại bánh xốp phủ ngoài sô cô la thơm ngậy được bày bán phổ biến tại Việt Nam.Trong tiếng Nhật, nghĩa của từ KitKat khi phát âm giống Kitto Katsu. Nó có nghĩa là “chắc chắn thành công”.

Vậy nên KitKat là món quà quen thuộc để người Nhật tặng cho các thí sinh thi đại học hoặc những người chuẩn bị tham gia các cuộc thi. Vào mùa thi cử, các khách sạn thường tặng cho khách lưu trú là thí sinh những hộp bánh KitKat như một lời chúc đỗ đạt. Đó là món quà của “Kikubari”.

Tất cả luôn lấy chung một triết lý dịch vụ giống nhau ở việc lấy khách hàng làm trọng tâm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn có thể phán đoán sai ý muốn hoặc thực hiện không đúng cách mà khách hàng thích đón nhận. Quan trọng là sự quan tâm của mình xuất phát từ sự tận tâm và không mong chờ sự cảm ơn hay hậu tạ nào từ người khác. 

Vận dụng nghệ thuật Kikubari hằng ngày như người Nhật, chắc hẳn bạn sẽ nhận được sự yêu mến và đón nhận từ người khác. Bạn sẽ trở thành người tinh tế, sâu sắc và biết quan tâm trong mắt mọi người. Lâu dài, họ cũng sẽ cảm nhận và dành sự quan tâm đến bạn như đã từng được nhận. Hãy lan tỏa nghệ thuật Kikubari đến mọi người xung quanh nhé!

Chia sẻ

Theo: https://morningjapan.com